Binh pháp kinh doanh

Suốt mấy nghìn năm qua, Binh pháp Tôn Tử được vận dụng vào chiến tranh như một cuốn thần thư. Ngày nay dù không còn những tay đàn ông oai hùng cưỡi ngựa, xách giáo nhọn hoắt, dài thòng lao vào nhau nhưng cuốn binh pháp này lại càng được người ta tìm đọc, nghiên cứu nhiều hơn. Trong kinh doanh, các doanh nghiệp nếu muốn tồn tại buộc phải tính đến những sách lược lâu dài. Cạnh tranh trên thương trường có khi còn khốc liệt hơn chiến trường quân sự bởi những yếm trá, nguy cơ vô hình được phủ màu liên doanh – hợp tác.
Ngũ Sự là nền tảng lâu dài
Điều khởi nguyên cho mọi hành động hay ngành nghề luôn là chữ Đạo. Đối với người cầm quân thì chữ Đạo tượng trưng cho chính nghĩa của cuộc chiến. Có chính nghĩa, bạn sẽ được lòng binh tướng hay dân chúng. Trong quản trị kinh doanh, Đạo là những nguyên tắc đạo đức của chính bạn áp dụng lên sản phẩm bạn làm ra: uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm, lợi nhuận được chia sẻ có hợp lý không, có xảy ra tình trạng bóc lột, ăn chặn, tranh thủ đầu cơ, “bóp cổ” người tiêu dùng nghèo…
Trong các cuộc chiến, điều quan trọng nhất luôn là chữ Thiên. Thiên ở đây tức là thiên thời, người tướng giỏi hay doanh nhân thành công đều phải lường trước xu thế diễn biến của thời cuộc, thị trường để chủ động ra đòn trước. Đơn cử như thị trường báo chí, một số tờ tạp chí in tại Việt Nam đã không lường được xu thế số hóa, công nghệ hóa của toàn cầu, không thức thời để tung ra phiên bản trên điện thoại di động, máy tính bảng đã tự làm mất đi vị thế cạnh tranh và đưa bản thân vào thế bí tụt hậu. Thận trọng là điều cần thiết nhưng táo bạo và tiên phong lại là mấu chốt của sự tồn vong.
Tiếp đến là chữ Địa. Ai cũng từng nghe đến mấy chữ “địa lợi” nhưng không phải ai cũng ứng dụng được. Nói ngay tại Việt Nam, các hãng nước ngoài như Starbucks, McDonald… muốn đổ bộ vào thị trường, họ cũng tìm mọi cách chiếm cứ những cao điểm chiến lược giữa trung tâm, hay vị thế “mũi tàu” ngạo nghễ. Tại sao, bởi nếu không họ không thể “ho hắng, lấy điểm” trong mắt người dân Việt vốn khá trọng hình thức, có nhu cầu ngồi tại một nơi đẳng cấp có thương hiệu nổi tiếng. Muốn đánh phủ đầu thị trường tiêu thụ khét tiếng như Việt Nam, bạn không thể bảo người dân nơi đây: Hãy trải nghiệm cà-phê đẳng cấp đến từ Mỹ, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam! Ngay bản thân Đặng Lê Nguyên Vũ cũng ý thức điều này từ rất sớm, khi các cửa hiệu cà-phê Trung Nguyên luôn mọc lên ở những khu đất vàng của thành phố Sài Gòn. Có thể, ông đã biết sớm muộn mình cũng phải đương đầu với cá mập ngoại bang nên cứ chiếm lĩnh hết “địa lợi” rồi từ từ tính tiếp.
Về chữ Tướng trong Ngũ sự của Binh pháp Tôn Tử, đề cập trực tiếp đến đức độ của người lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu đối tác của bạn, ông chủ doanh nghiệp mà bạn định làm ăn không có những đức tính như Trí, Tín, Nhân, Dũng, Nghiêm thì bạn không nên mất thời gian với họ. Vì một lãnh đạo thiếu các đức tính trên đồng nghĩa với việc họ sẽ lái một con tàu xuống vực thẳm.
Chữ cuối cùng trong Ngũ Sự là Pháp. Pháp không chỉ là quy chế, kỷ luật mà còn chỉ tính hệ thống trong tập đoàn của bạn. Một hệ thống chặt chẽ, các mắt xích tương hỗ liền lạc sẽ giúp bạn vững mạnh, gặp nguy không bị mất kiểm soát, phá vỡ đội hình, đương đầu được với mọi thách thức. Nói nôm na là xây dựng hệ thống, cơ cấu chính là chuẩn bị khung xương cho sự phát triển lâu dài.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu đá quý của doanh nhân Hùng Cửu Long minh chứng rõ nét cho việc nắm được chữ Thiên (chủ động nắm thời cơ) nhưng sai lầm trong chữ Pháp (hệ thống). Anh chia sẻ: “So với các nhãn hiệu nước ngoài, tôi thua họ nhiều mặt nên phải đi tìm nét riêng, nét mới. Vào năm 2004, tôi ngộ ra điều này khi chợt nhận ra rằng không có một trường phái nữ trang kim hoàn riêng đặc thù trong nước. Tôi đã làm biểu tượng Văn miếu Quốc tử giám; trống đồng bằng vàng; bức tranh Sức sống văn hóa Việt bán đấu giá được 18 tỷ đồng ủng hộ người nghèo; bức tranh Thiên hạ thái bình cao 2m, dài 10m làm bằng chất liệu vàng, đá ruby, bạc, đồng…
Tôi tự hào ở Việt Nam chưa có ai làm sản phẩm bán được đến hơn một triệu đô-la Mỹ như tôi. Khi kiếm được tiền tỷ và có danh tiếng, tôi sống với những viễn cảnh huy hoàng và vung tiền mở liền 30 chi nhánh ở nhiều tỉnh thành và chắc mẩm thời của mình đã đến. Lúc đó, tôi không biết rằng phải trải qua 10 năm tôi mới gây dựng được một cửa hàng vững mạnh, tích lũy đủ kinh nghiệm quản trị cho một cửa hàng này. Tôi ngu dốt không nhận ra rằng cũng phải mất nhiều năm để tôi có thể gây dựng, đào tạo được đội ngũ nhân viên, phân xưởng, thị trường tốt nhất cho một chuỗi cửa hàng.
Như mọi thất bại của các doanh nhân Việt Nam, tôi thất bại vì lòng tham của mình. Thực tế là tôi không đủ trình độ và kinh nghiệm cũng như nguồn vốn để quản trị và duy trì 30 cửa hàng mình mở ra. Sau đó, cuộc khủng hoảng kinh tế và những chiến thuật sai lầm trong kinh doanh đã khiến tôi phải nhận “bản án phá sản” và đành đóng hàng loạt các cửa hàng. Đó lại là những tháng ngày đen tối nhất trong cuộc đời tôi”.
Thất kế dự đoán thành bại
Trong Binh pháp Tôn Tử có một thiên là Thất kế, đây là những căn cứ để đánh giá, dự đoán thắng bại trong cuộc chiến. Một là người lănh đạo có minh triết, chính nghĩa không? Hai là tướng cầm quân có tài năng không? Ba là cuộc chiến có hợp với Thiên thời địa lợi không? Bốn là kỉ cương của quân đội có chặt chẽ không? Năm là binh lực có đủ mạnh không? Sáu là binh sĩ có được tập luyện tốt không? Bảy là việc thưởng phạt có nghiêm minh không?
Khi ứng dụng sang thương trường, mọi thứ càng rõ ràng hơn. Những nhân sự cấp cao có tài đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó có thêm những người cầm đầu sáng suốt để hoạch định kế sách, có nhiều ý tưởng độc đáo khi kết hợp với nhau. Kỷ cương và binh lực là hai điều song hành, không thể tách rời. Binh giỏi mà kiêu căng, lười nhác sẽ dẫn đến chủ quan, tụt hậu, thất bại. Thiên này chủ về biết mình biết người, nhìn ra tiềm năng thế mạnh/yếu của kẻ địch, so sánh tương quan lực lượng để có cách đánh phù hợp. Hợp tác liên kết hay cạnh tranh thị trường đều phải tính đến so sánh lực lượng giữa doanh nghiệp mình với đối tác, đối thủ.
Thần tốc chớp thời cơ
Tôn Tử dạy: Trong chiến trận, đòn hiểm là đòn nhanh và đánh đúng vào chỗ yếu của đối phương. Trong thương trường, chỗ yếu của đối phương là những nhu cầu của thị trường mà các đối tác khác chưa phát hiện ra hoặc chưa đáp ứng được. Bạn phải có tầm nhìn xa hơn mức diễn biến đang xảy ra của thị trường, tung ra sản phẩm “thời cơ” trước đối thủ cạnh tranh và kiểm soát thị trường mới.
Kế tiếp theo để thắng địch của Tôn Tử là thúc quân sĩ tiến nhanh: “Muốn quân sĩ lao nhanh vào tiêu diệt địch thì phải làm cho họ căm thù địch, muốn nhanh chóng cướp của cải của địch thì phải dùng tiền của thưởng cho quân sĩ”. Trong kinh doanh, người lãnh đạo phải phải kích thích tinh thần có kèm theo thưởng vật chất thì nhân viên càng hăng say làm việc, kế hoạch nào đề ra cũng kích tinh thần của nhân sự sẽ tạo nên sức mạnh rất lớn.
Xét đến cùng, Binh pháp Tôn Tử hướng người lãnh đạo đến sự minh triết, nhân nghĩa, biết nhìn xa trông rộng, biết hành động cấp kỳ và không bao giờ được quá tham lam.